Trong Nghệ thuật Dụ ngôn Đứa con hoang đàng

Âm nhạc

Đứa con hoang đàng trở về, tranh của Pompeo Batoni (1773)

Dụ ngôn Đứa con hoang đàng được nhắc đến trong bản dân ca Ái Nhĩ Lan The Wild Rover, cũng xuất hiện trong Prodigal Blues, một ca khúc được Billy Idol thể hiện, nói về cuộc đấu tranh của anh chống lại những cơn nghiện ma túy. Bono, ca sĩ của nhóm U2 cũng mượn ý tưởng từ dụ ngôn này để viết ca khúc The First Time. Cũng từ hình ảnh đứa con hoang đàng, Dustin Kensrue viết Please Come Home cho album cùng tên phát hành năm 2007. Năm 1981, nhóm Iron Maiden thu âm ca khúc Prodigal Son. Mục sư Robert Wilkins thuật lại dụ ngôn này trong ca khúc Prodigal Son được nhóm Rolling Stones cover cho album Beggar’s Banquet năm 1968. Nhóm Nashville Bluegrass thu âm Prodigal Son a capella theo âm điệu dòng nhạc phúc âm.

Văn chương

Có lẽ tác phẩm văn học sâu sắc nhất gợi cảm hứng từ Dụ ngôn Đứa con hoang đàng là của nhà thần học người Hà Lan Henri Nouwen, quyển The Return of the Prodigal Son, A Story of Homecoming (1992), trong đó tác giả miêu tả cuộc hành trình tâm linh của ông phần nào tác động bởi lần thưởng thức họa phẩm The Return of the Prodigal Son của Rembrandt. Theo Nouwen, câu chuyện được thể hiện trong họa phẩm của Rembrandt miêu tả ba nhân vật: người em tức là đứa con hoang đàng; người anh đang giận dữ là người luôn tự hào về phẩm hạnh của mình; và người cha luôn yêu thương con. Nouwen cho rằng tất cả tín hữu Cơ Đốc – kể cả ông – luôn phải đấu tranh để được giải thoát khỏi những"sự yếu đuối"cố hữu thể hiện qua tính cách của hai anh em, hầu có thể trải nghiệm sự tăng trưởng tâm linh mà trở thành người cha hi sinh, sẵn sàng ban cho và sẵn lòng tha thứ.